Đền Độc Cước – ngôi đền thiêng bậc nhất vùng biển xứ Thanh
Đền Độc Cước nằm trên núi Trường Lệ là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, gắn liền với truyền thuyết ly kỳ về vị thần xả thân đánh đuổi quỷ biển. Ngôi đền trở thành điểm tựa tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo người dân, du khách đến dâng hương, chiêm bái, cầu an.
1. Đền Độc Cước ở đâu Thanh Hóa?
Đền Độc Cước còn gọi là đền Thượng, tọa lạc trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy Trường Lệ, TP Sầm Sơn. Ngôi đền được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ 13 – 14) và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Tuy vậy, đền thần Độc Cước ngày nay vẫn mang vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, đậm màu huyền bí, linh thiêng.
Toàn cảnh đền Độc Cước Sầm Sơn Thanh Hóa (Ảnh: Sưu tầm)
2. Đền Độc Cước thờ ai? Sự tích ngôi đền
Đền Độc Cước thờ vị thần Độc Cước, hay còn gọi là vị thánh “Chu Minh thánh vị”. Theo truyền thuyết, đây là vị thần một chân, nổi tiếng tài giỏi, dũng cảm và có công lao lớn trong việc đánh đuổi giặc quỷ, bảo vệ sự bình yên cho làng biển.
Sự tích đền Độc Cước ngày nay vẫn được lưu truyền. Theo chuyện kể, một cơn đại hồng thủy đã cuốn trôi mọi thứ ra biển, bao gồm một người phụ nữ mang thai gần ngày sinh. Khi thủy triều rút, sóng đánh người phụ nữ dạt vào bờ ở làng Kẻ Trường. Người dân trong làng xót thương đã vun đất và đá lên tạo thành nấm mộ, hình thành dãy Trường Lệ.
Từ trong bụng người mẹ, một cậu bé khôi ngô chào đời, lớn lên thành chàng trai vạm vỡ với sức khỏe phi thường, luôn giúp đỡ dân làng. Khi bầy thủy quái xuất hiện, chúng ăn thịt ngư dân và sát hại dân lành, khiến nhiều người hoảng sợ bỏ làng đi.
Để tiêu diệt quỷ biển, chàng trai đã xé đôi thân mình: một nửa ra khơi bảo vệ ngư dân, nửa kia ở lại chống giặc biển trên hòn Cổ Giải. Dấu chân chàng in sâu vào núi đá, lưu lại ngàn năm. Tin rằng đó là vị thần được thiên đình sai xuống để giúp dân, người dân làng biển Sầm Sơn lập đền thờ ngay tại nơi có vết chân thần để nhớ ơn và cầu mong sự che chở, phù hộ cho cuộc sống bình yên.
Đền Độc Cước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa thờ thánh “Chu Minh thánh vị” (Ảnh: Sưu tầm)
Tìm hiểu thêm: đền Bà Triệu
3. Đền thờ thần Độc Cước Sầm Sơn có gì đặc biệt?
Ngoài truyền thuyết ly kỳ, đền Độc Cước còn ghi dấu ấn với kiến trúc cổ kính và không khí linh thiêng, trầm mặc cùng cảnh quan tuyệt đẹp. Ngôi đền còn trở thành địa điểm du lịch Thanh Hóa thu hút bởi những giá trị văn hóa độc đáo và các nghi lễ truyền thống đặc sắc.
3.1. Kiến trúc độc đáo
Đền Độc Cước tuy không đồ sộ, nguy nga nhưng vô cùng nổi bật với lối kiến trúc độc đáo và nhiều khu vực ấn tượng trải dài từ cổng tam quan đến khu vực cung cấm.
3.1.1. Cổng tam quan
Bước qua 40 bậc đá hướng về ngôi đền thiêng, du khách sẽ nhìn thấy cổng tam quan nhuốm màu rêu phong, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Hai bên cửa là hình tượng hai hộ pháp oai vệ, tay cầm gươm, đứng canh gác đền. Đối diện là hai tượng voi chầu, vừa cổ kính vừa gợi lên nét cô tịch và thần bí.
Bậc thềm lên đền Độc Cước Thanh Hóa (Ảnh: Sưu tầm)
3.1.2. Khu hậu cung
Đi qua tiền đường và trung đường, du khách sẽ bước vào hậu cung. Gian ngoài hậu cung là không gian thờ thần Độc Cước với bức tượng gỗ đen tuyền chỉ có một nửa thân mình, tay cầm búa đầy oai vệ. Hai bên tượng là hai ngai thánh vị thờ Tô Hiến Thành và Hoàng Minh Tự. Đây là hai vị phúc thần được phối thờ cùng thần Độc Cước, tôn thêm sự uy nghiêm cho hậu cung.
Tượng gỗ thần Độc Cước được thờ ở gian ngoài hậu cung (Ảnh: Sưu tầm)
3.1.3. Khu vực cung cấm “một năm mở cửa một lần”
Khu vực cung cấm tại đền Độc Cước chỉ mở cửa một lần mỗi năm, nơi đây chứa khám thờ với chiếc ngai được khắc bốn chữ triện sơn son thếp vàng “Chu Minh thánh vị”. Bên trong còn lưu giữ 8 sắc phong quý từ các triều đại phong kiến Việt Nam, đựng trong hộp gỗ. Ngay dưới khám là dấu chân thần Độc Cước hằn in trên đá, tăng thêm sự linh thiêng cho khu vực này.
3.1.4. Tháp Nghinh Phong & Phủ Mẫu
Bên phải ngôi đền Độc Cước là tháp Nghinh Phong, hay còn gọi là tòa phương đình, được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Tháp có kết cấu hai tầng tám mái, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với dáng hình trông như tòa sen mở cánh. Bên trái đền là phủ Mẫu thờ Tam tòa Thánh Mẫu, công trình được phục dựng vào năm 1992.
Tháp Nghinh Phong bên phải đền thần Độc Cước (Ảnh: Sưu tầm)
3.2. Lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử
Đền Độc Cước ngày nay vẫn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa như: bức đại tự, đạo sắc phong. Hiện tại, đền còn giữ 8 đạo sắc phong do triều đình phong kiến các thời kỳ ban tặng. Các đạo sắc phong được bảo quản cẩn thận và chỉ được mở trong những sự kiện trọng đại. Đặc biệt, sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783, thời vua Lê Hiển Tông) là hiện vật nổi bật nhất.
Đền Độc Cước lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị (Ảnh: Sưu tầm)
3.3. Cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng
Đền Độc Cước tọa lạc trên núi Trường Lệ với vị thế đắc địa, hướng Đông và Tây giáp núi, hướng Nam giáp biển Sầm Sơn. Nhờ đó, ngôi đền sở hữu khung cảnh thơ mộng, yên bình, mang đến cho du khách nhiều ấn tượng khó quên khi đến hành hương, vãng cảnh.
Xung quanh đền có nhiều cổ thụ, trong đó cây bàng trăm tuổi tỏa bóng mát quanh năm và cây dứa dại mọc trên nền đá vẫn trường tồn cùng bão táp. Mỗi năm, cây dứa dại đều ra hoa kết trái, được người dân xem như vị thuốc quý.
Khuôn viên đền thanh tịnh, uy nghiêm (Ảnh: Sưu tầm)
4. Lễ hội đền Độc Cước Trường Sơn Sầm Sơn Thanh Hóa
Hàng năm, đền Độc Cước tổ chức lễ hội Cầu Phúc vào ngày 16 tháng 2 Âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống của người dân vùng biển Sầm Sơn, được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của thần Độc Cước và các vị tiền nhân.
Lễ hội là dịp để cầu quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh và mong tôm cá đầy khoang, mùa màng thắng lợi, du lịch phát triển. Khuôn khổ lễ hội diễn ra các nghi thức truyền thống và nhiều hoạt động hội hè dân gian đặc sắc, tạo nên không khí vui tươi, sôi động.
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Cầu Phúc (Ảnh: Sưu tầm)
5. Kinh nghiệm đi lễ đền Độc Cước Sầm Sơn
5.1. Đi đền Độc Cước cầu gì?
Người đi lễ đền thần Độc Cước thường cầu bình an, sức khỏe, công việc hanh thông. Ngoài ra, người dân Sầm Sơn còn cầu mong tôm cá đầy khoang, mùa màng bội thu, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, thịnh vượng.
Người đi lễ thường cầu nguyện bình an, sức khỏe, công việc hanh thông (Ảnh: Sưu tầm)
5.2. Cách sắm lễ
Khi đến đền Độc Cước, du khách có thể chuẩn bị lễ vật chay hoặc mặn.
Lễ chay thường bao gồm:
- Hoa tươi như hoa sen, hoa huệ; tránh dùng hoa dại hoặc hoa giả.
- Ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành, thường là cam, táo, chuối, dưa hấu, phật thủ.
- Bánh kẹo và đồ ngọt được đóng hộp.
- Nhang trầm và trà.
Lễ mặn có thể bao gồm: xôi, giò chả, thịt gà, thủ heo và rượu.
Lưu ý:
- Lễ Phật: Chỉ dâng lễ chay, không sử dụng lễ mặn trong chính điện.
- Lễ thánh: Có thể dâng lễ mặn như thịt heo, gà, chả tại các bàn thờ ngũ vị quan hoặc tại các phủ.
- Số lượng lễ vật: Nên mua số lẻ để phù hợp với quan niệm âm dương, tránh số 7 do liên quan đến quan niệm không may mắn.